Công ty nước ngoài có thể thuê người Việt Nam làm nhà cung cấp dịch vụ thay vì là người lao động hay không?

Câu trả lời là có, tuy nhiên cần có một số biện pháp giảm thiểu rủi ro như được thảo luận dưới đây.

Pháp luật Việt Nam không có sự phân biệt rạch ròi giữa quan hệ lao động và quan hệ thương mại (ví dụ: hợp đồng dịch vụ) do các định nghĩa về quan hệ lao động và hợp đồng lao động trong Bộ Luật Lao Động 2019 không rõ ràng và bao quát. Ví dụ,

(1)        Bộ Luật Lao Động 2019 định nghĩa “quan hệ lao động” là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.  Theo Luật Thương Mại 2005, “cung ứng dịch vụ” được định nghĩa là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận. Những định nghĩa này đều khá rộng và không đủ cụ thể để phân biệt các mối quan hệ này. Trong cả hai mối quan hệ đều có sự giao kết và thanh toán tiền giữa bên thuê và bên được thuê.

(2)        Khái niệm hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động 2019 có thể bao gồm cả các hợp đồng dịch vụ. Cụ thể, Bộ Luật Lao Động 2019 quy định rằng “trường hợp các bên có thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng nội  dung vẫn thể hiện thỏa thuận về công việc được trả công, về sự quản lý, điều hành và giám sát của một bên thì thỏa thuận đó được coi là hợp đồng lao động”.

(3)        Bộ Luật Lao Động 2019 định nghĩa “người sử dụng lao động” là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động theo hợp đồng lao động; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Do không có hướng dẫn cụ thể, không rõ sự khác biệt giữa người sử dụng lao động và người sử dụng dịch vụ là như thế nào.

Vì pháp luật không hoàn toàn rõ ràng, nếu một công ty nước ngoài thuê một cá nhân Việt Nam để cung cấp dịch vụ trên cơ sở dài hạn với tiền phí thanh toán hàng tháng và giờ làm việc thông thường, có thể có rủi ro là tòa án Việt Nam sẽ xem hợp đồng dịch vụ này như một hợp đồng lao động. Chúng tôi không rõ tòa án sẽ đưa ra nhận định đó như thế nào, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, có thể sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như mức độ mà bên thuê dịch vụ thực hiện quyền kiểm soát đối với công việc của cá nhân cung cấp dịch vụ, mức độ mà bên thuê chịu trách nhiệm và chịu các rủi ro đối với cá nhân này và mức độ mà cá nhân đó được đối xử theo cách tương tự như cách mà bên thuê đối xử với người lao động của họ.

Để giảm thiểu rủi ro trên, bên thuê trong hợp đồng dịch vụ có thể xem xét:

(1)        soạn thảo hợp đồng dịch vụ theo hướng làm rõ rằng cá nhân Việt Nam có toàn quyền kiểm soát cách thức họ cung cấp dịch vụ và tự chịu rủi ro đối với dịch vụ của mình;

(2)        khẳng định rõ ràng trong hợp đồng dịch vụ rằng quan hệ giữa hai bên là quan hệ thương mại, không phải là quan hệ lao động, và không phụ thuộc vào các quy định của Bộ Luật Lao Động, và cá nhân sẽ không tuyên bố hoặc yêu cầu rằng họ là người lao động của bên thuê; và

(3)        một cách thận trọng, có thể yêu cầu cá nhân phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tham gia ký kết hợp đồng dịch vụ với tư cách là một hộ kinh doanh. Điều này là do Luật Thương Mại 2005 và Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định, khi cung cấp dịch vụ cho công ty nước ngoài, cá nhân đó có thể bị xem là đang thực hiện “hoạt động thương mại và/hoặc hoạt động kinh doanh”, phải đăng ký kinh doanh theo hình thức “hộ kinh doanh” và xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trên thực tế, nhiều cá nhân Việt Nam cung cấp dịch vụ mà không xin giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và cũng không sẵn sàng xin giấy chứng nhận này do e ngại các thủ tục hành chính. Việc một công ty nước ngoài yêu cầu cá nhân cung cấp dịch vụ phải xin giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi thuê họ tại Việt Nam cũng không phổ biến.

Bài này được thực hiện bởi Hoàng Mai Hằng và biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.