NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM – PHẦN 2

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về Nghị Định 99/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 01 năm 2023. Phần 1 có thể xem tại đây.

·        Mở rộng phạm vi đăng ký: Nghị Định 99/2022 mở rộng biện pháp bảo đảm có thể đăng ký tại Cục Đăng Ký Quốc Gia Về Giao Dịch Bảo đảm (NRAST). Cụ thể, cho phép đăng ký cầm cố, đặt cọc, ký cược và ký quỹ tại NRAST. Nghị Định 99/2022 cũng quy định biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển sẽ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký chuyên biệt theo quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

·        Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung: Tuy Nghị Định 155/2020 vẫn áp dụng cho việc đăng ký biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung nhưng Nghị Định 99/2022 vẫn sẽ áp dụng đối với các vấn đề không được quy định trong Nghị Định 155/2020. Không rõ liệu quy định này có cho phép đăng ký biên pháp bảo đảm bằng các quyền gắn liền với chứng khoán đã đăng ký tập trung hay không (ví dụ: quyền nhận cổ tức hoặc tiền lãi).

·        Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản “biến đổi” – Nghị Định 99/2022 quy định việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các tài sản có thể biến đổi trạng thái sẽ tiếp tục có hiệu lực ngay cả khi tài sản bảo đảm đã biến đổi trạng thái trong một số trường hợp nhất định. Các trường hợp này bao gồm (1) chứng khoán chưa đăng ký tập trung trở thành chứng khoán đăng ký tập trung và ngược lại, (2) hàng hóa luân chuyển, linh kiện, vật tư được lắp ráp, chế tạo, gia công hoặc chế biến theo hình thức khác tạo thành tài sản mới; (3) quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc công trình xây dựng hình thành trong tương lai trở thành nhà ở và công trình xây dựng thực tế.

·        Đăng ký thế chấp dự án đầu tư – Nghị Định 99/2022 quy định rõ việc thế chấp dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ được đăng ký tại văn phòng đăng ký đất đai. Nghị Định 102/2017 trước đây chỉ quy định thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

·        Người yêu cầu đăng ký đủ điều kiện – Nghị Định 99/2022 quy định chi tiết hơn về các đối tượng có thể đăng ký trong các trường hợp khác nhau, ví dụ: đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi hoặc xóa đăng ký. Trường hợp đăng ký cầm cố, đặt cọc, ký cược hoặc ký quỹ, người yêu cầu đăng ký mặc nhiên là bên nhận bảo đảm trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Không rõ tại sao Nghị Định 99/2022 lại có quy định như vậy trong khi không có quy định nào về việc người yêu cầu đăng ký mặc nhiên đối với các loại biện pháp bảo đảm khác.

Trong khi chi nhánh không phải là pháp nhân theo Bộ Luật Dân Sự 2015, Nghị Định 99/2022 vẫn cho phép chi nhánh được thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, Nghị Định 99/2022 cũng gây khó khăn cho chi nhánh ngân hàng trong việc đăng ký biện pháp bảo đảm khi quy định hồ sơ phải có văn bản về việc pháp nhân giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện chức năng của pháp nhân trong yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm.

Điểm thú vị là Nghị Định 99/2022 cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân đứng ra làm bên bảo đảm nếu tài sản bảo đảm là tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Quy định này thể hiện rằng doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không tách rời nhau. Tuy nhiên không rõ liệu điều tương tự có được áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân là bên nhận bảo đảm hay không.

·        Hủy đăng ký – Nghị Định 99/2022 lần đầu tiên quy định thủ tục hủy đăng ký biện pháp bảo đảm, theo đó hiệu lực đăng ký kể từ ngày đầu tiên sẽ bị hủy. Cơ quan đăng ký có thể tự quyết định hủy đăng ký hoặc theo đề nghị của người yêu cầu đăng ký. Các căn cứ cho việc hủy đăng ký bao gồm (1) bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật có quyết định về việc đăng ký phải bị hủy, (2) việc đăng ký không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký, (3) tài liệu, chữ ký, con dấu trong hồ sơ đăng ký là giả mạo, hoặc (4) đăng ký trùng lặp.

Bài viết này được thực hiện bởi Nguyễn Hoàng Duy và Hoàng Thanh Thùy và được biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.