NGÂN HÀNG TẠI CÁC QUỐC GIA LÀ THÀNH VIÊN CỦA CPTPP PHÁT HÀNH L/C CHO NGƯỜI CƯ TRÚ TẠI VIỆT NAM

Tình huống: Một người cư trú là tổ chức tại Việt Nam dự định mở một L/C trả ngay tại một ngân hàng của quốc gia là thành viên của CPTPP (ngân hàng đặt tại quốc gia là thành viên của Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương) (TCPH L/C Nước Ngoài) để nhập khẩu thiết bị vào Việt Nam. TCPH L/C Nước Ngoài có thể phát hành L/C Nước Ngoài cho khách hàng Việt Nam theo pháp luật Việt Nam không?

Câu trả lời ngắn gọn: Có, phụ thuộc vào nội dung thảo luận của chúng tôi ở mục 1.2 và 1.3 bên dưới.

1.1         TCPH L/C Nước Ngoài có thể phát hành L/C cho một người cư trú tại Việt Nam nếu TCPH L/C Nước Ngoài không được coi là thường xuyên thực hiện hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam (xem 1.2). Điều này là do:

1.1.1          Theo Điều 75.1(a) Luật Thương Mại 2005, trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, thương nhân có quyền cung cấp dịch vụ cho người cư trú của Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, một người có thể lập luận rằng trừ trường hợp việc cung cấp dịch vụ đó bị pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết rõ ràng cấm, một pháp nhân nước ngoài (bao gồm cả TCPH L/C Nước Ngoài) có thể cung cấp dịch vụ cho một người cư trú tại Việt Nam; và

1.1.2         TCPH L/C Nước Ngoài cần được phép cung cấp dịch vụ L/C xuyên biên giới theo Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên. Cụ thể là,

(a)        Điều 11.6(2) của CPTPP quy định rằng mỗi Bên (ví dụ: Việt Nam) sẽ cho phép người trên lãnh thổ của mình (ví dụ: khách hàng Việt Nam) mua dịch vụ tài chính (ví dụ: dịch vụ L/C) từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới của một Bên khác trên lãnh thổ của một Bên không phải là Bên cho phép (ví dụ: TCPH L/C Nước Ngoài). Ngoại lệ duy nhất theo Điều 11.6(2) của CPTPP là nhà cung cấp dịch vụ tài chính xuyên biên giới không được phép “kinh doanh” hoặc “chào hàng” khách hàng tại Việt Nam;

(b)        Theo Điều 11.10(2) và Mục B của Phụ Lục III trong lộ trình của Việt Nam, trong đó quy định các biện pháp không tuân thủ của Việt Nam đối với Điều 11.6(2) ở trên, Việt Nam không liệt kê bất kỳ biện pháp nào cấm ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ L/C cho khách hàng Việt Nam;

(c)        Mặc dù Điều 11.6(3) của CPTPP quy định rằng một Bên có thể yêu cầu đăng ký hoặc cấp phép đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính xuyên biên giới của một Bên khác và đối với các công cụ tài chính, luật pháp Việt Nam hiện không quy định rõ ràng yêu cầu đăng ký hoặc cấp phép đối với một L/C nước ngoài. Chi tiết được giải thích dưới đây:

(i)        Theo Thông tư 12/2022 của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) ngày 30 tháng 9 năm 2022 (Thông Tư 12/2022), các khoản vay nước ngoài trung dài hạn phải đăng ký với NHNN. Mặc dù Điều 3.1 của Thông Tư 12/2022 liệt kê một số loại khoản vay nước ngoài (ví dụ là hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế), nhưng những khoản này không bao gồm cụ thể L/C nước ngoài. Vì vậy, có thể cho rằng không nên áp dụng yêu cầu đăng ký của Thông Tư 12/2022 đối với việc phát hành L/C nước ngoài; và

(ii)        Chúng tôi hiểu rằng trên thực tế, một số ngân hàng nước ngoài cũng đã cấp bảo lãnh ngân hàng cho người cư trú tại Việt Nam (mà bảo lãnh khá giống với L/C) để bảo lãnh trả nợ khoản vay nước ngoài nhưng bảo lãnh ngân hàng đó không được đăng ký độc lập với NHNN. Thay vào đó, các khoản bảo lãnh này được ghi nhận trong giấy đăng ký khoản vay nước ngoài do NHNN cấp chỉ như một biện pháp bảo đảm cho khoản vay nước ngoài.

(d)     Điều 10.12 và 11.2(2)(c) của CPTPP quy định thêm rằng mỗi Bên sẽ cho phép tất cả các khoản chuyển tiền và thanh toán liên quan đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (bao gồm cả dịch vụ tài chính xuyên biên giới) được thực hiện tự do và không trì hoãn vào và ra khỏi lãnh thổ của mình.

Yêu cầu để có được giấy phép thực hiện các dịch vụ ngân hàng thường xuyên tại Việt Nam

1.2         Nếu TCPH L/C Nước Ngoài thường xuyên cung cấp các dịch vụ ngân hàng bao gồm dịch vụ L/C cho khách hàng tại Việt Nam, thì có nguy cơ rằng NHNN có thể cấm TCPH L/C Nước Ngoài phát hành L/C nước ngoài vì TCPH L/C Nước Ngoài không được phép cung cấp các hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Điều này là do:

1.2.1          Theo Điều 8 Luật Tổ Chức Tín Dụng 2010, chỉ những tổ chức đã được NHNN cấp giấy phép mới được thực hiện các hoạt động ngân hàng tại Việt Nam;

1.2.2         Theo Điều 4.12, 4.14 và 4.15 của Luật Tổ Chức Tín Dụng 2010, hoạt động ngân hàng là việc thực hiện hoặc cung ứng một hoặc nhiều dịch vụ sau một cách thường xuyên: nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản . L/C có thể được phân loại là cấp tín dụng hoặc cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản; và

1.2.3        Điều 4.21 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định “kinh doanh” là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Rủi ro có thể xảy ra

1.3         Mặc dù có lập luận hợp lý rằng L/C nước ngoài không phải là khoản vay nước ngoài (xem 1.1.2(c)), vẫn có rủi ro rằng L/C nước ngoài được hiểu là khoản vay nước ngoài và phải tuân theo yêu cầu của Thông Tư 12/2022 (bao gồm cả việc phải đăng ký với NHNN nếu L/C là cấp tín dụng trung dài hạn). Điều này là do:

1.3.1          định nghĩa về “khoản vay nước ngoài” theo Thông tư 12/2022 khá rộng (nghĩa là “mọi hình thức vay” được cấp dưới các hình thức thỏa thuận vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc hợp đồng phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế); và

1.3.2         pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể nào điều chỉnh việc phát hành L/C của một ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, ngân hàng chuyển tiền có thể do dự khi cho phép khách hàng Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài để hoàn trả cho TCPH L/C Nước Ngoài khi chưa có hướng dẫn cụ thể của NHNN.

Bài viết này được viết bởi Nguyễn Thu Giang và được biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.