NGHỊ ĐỊNH MỚI VỀ ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM – PHẦN 1

Vào ngày 30 tháng 11 năm 2022, Chính Phủ đã ban hành Nghị Định 99 về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị Định 99/2022) để thay thế Nghị Định 102/2017 (Nghị Định 102/2017) về cùng chủ đề. Nghị Định 99/2022 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2023.

·           Nghị Định 99/2022 đưa ra một số biện pháp, nếu được áp dụng đúng, có thể giảm thiểu đáng kể gánh nặng đăng ký biện pháp bảo đảm theo pháp luật Việt Nam. Cụ thể, việc kê khai nội dung đăng ký không đúng theo quy định không còn là căn cứ để cơ quan đăng ký từ chối đăng ký biện pháp bảo đảm.

·           Cơ quan đăng ký không được đưa ra hay yêu cầu các thủ tục khác với các thủ tục được quy định tại Nghị Định 99/2022. Nghị Định 99/2022 quy định cơ quan đăng ký không được yêu cầu nộp các giấy tờ hoặc kê khai thêm thông tin mà Nghị Định không quy định hoặc yêu cầu sửa lại tên hoặc nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Cơ quan đăng ký phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm nguyên tắc này. Theo Nghị Định 102/2017, cơ quan đăng ký có thể yêu cầu thay đổi những nội dung này nếu có sai sót do lỗi của người yêu cầu đăng ký.

·           Nghị Định 99/2022 không còn nguyên tắc nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phải phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký. Tuy nhiên, theo Nghị Định 99/2022, cơ quan đăng ký vẫn có quyền từ chối đăng ký dựa trên cơ sở rằng thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký. Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất thì trong một số trường hợp, người yêu cầu đăng ký có thể lựa chọn (i) đăng ký để thống nhất sự khác biệt với cơ quan đăng ký trước khi đăng ký biện pháp bảo đảm, hoặc (ii) tự gánh chịu rủi ro khi tiếp tục đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị Định 99/2022 cũng đưa ra các giải pháp cho một vài trường hợp điển hình khác.

·           Đối với các giao dịch bảo đảm đăng ký trực tuyến, Nghị Định 99/2022 cho phép sử dụng chữ ký điện tử và con dấu điện tử trong đăng ký.

Để bảo vệ cơ quan đăng ký, Nghị Định 99/2022 quy định một số trường hợp không phải chịu trách nhiệm nhất định cho cơ quan đăng ký có thẩm quyền. Chẳng hạn, cơ quan đăng ký sẽ không phải chịu trách nhiệm về tên và nội dung của hợp đồng bảo đảm, việc đăng ký và xóa đăng ký theo quyết định/bản án có hiệu lực của tòa án, hoặc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản có tranh chấp hoặc tài sản thi hành án dân sự nếu tại thời điểm đăng ký, cơ quan đăng ký không nhận được các giấy tờ liên quan từ cơ quan có thẩm quyền.

Bài viết này được thực hiện bởi Nguyễn Hoàng Duy và được biên tập bởi Hoàng Thanh Thùy.