Ủy quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT theo pháp luật Việt Nam
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, không rõ liệu Đại Hội Đồng Cổ Đông (ĐHĐCĐ) của một công ty cổ phần (CTCP) có được phép ủy quyền (hoặc giao phó) quyền lực của mình cho Hội Đồng Quản Trị hay không hoặc phạm vi mà ĐHĐCĐ có thể ủy quyền quyền lực của mình cho Hội Đồng Quản Trị, nếu có thể làm như vậy. Cụ thể:
· Điều 15.4 của Nghị Định 156/2020 quy định hình phạt đối với Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị nếu người này không báo cáo với ĐHĐCĐ về việc thực hiện nghị quyết của ĐHĐCĐ, trừ trường hợp được ĐHĐCĐ uỷ quyền. Quy định này hàm ý rằng ĐHĐCĐ của một CTCP đại chúng có thể ủy quyền cho Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị được thay đổi các vấn đề đã được ĐHĐCĐ quyết định. Có thể lập luận rằng, nếu ĐHĐCĐ có thể uỷ quyền cho chủ tịch Hội Đồng Quản Trị thì ĐHĐCĐ có thể uỷ quyền cho Hội Đồng Quản Trị.
· Ngoài ra, một số điều khoản của Nghị Định 155/2020 quy định rằng ĐHĐCĐ của một CTCP đại chúng có thể ủy quyền cho Hội Đồng Quản Trị quyết định các vấn đề khác nhau liên quan đến việc phát hành chứng khoán của CTCP đại chúng thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
· Mặt khác, Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước Việt Nam (UBCKNN) đã ban hành Công Văn số 913/UBCKNN-GSĐC ngày 23 tháng 2 năm 2022 (Công Văn 913) thể hiện quan điểm của UBCKNN rằng, ngoài những vấn đề khác, ĐHĐCĐ của một CTCP đại chúng không được ủy quyền cho Hội Đồng Quản Trị quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ theo Điều 138.2 và Điều 167.4 Luật Doanh Nghiệp 2020.
· Ngoài ra, theo Luật Doanh Nghiệp 2020, một số thẩm quyền của ĐHĐCĐ cũng là “nghĩa vụ” của ĐHĐCĐ mà theo Bộ Luật Dân Sự 2015 là không được chuyển giao nếu không có sự đồng ý của các bên có quyền có liên quan.
Vì Điều 138.2(n) của Luật Doanh Nghiệp 2020 cũng cho phép điều lệ công ty của CTCP quy định thêm các thẩm quyền của ĐHĐCĐ nên không rõ liệu điều lệ công ty của một CTCP đại chúng liệt kê lại các thẩm quyền của ĐHĐCĐ mà có thể được uỷ quyền cho Hội Đồng Quản Trị theo Nghị Định 155/2020 thì liệu ĐHĐCĐ có thể ủy quyền cho HĐQT nữa hay không.
Về mặt lý thuyết, vì Công Văn 913 không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên một người có thể lựa chọn bỏ qua Công Văn 913 của UBCKNN và chỉ căn cứ vào các quy định của Nghị Định 156/2020 và Nghị Định 155/2020 để lập luận rằng ĐHĐCĐ của một CTCP (bao gồm CTCP không đại chúng, vì việc quản trị CTCP đại chúng thường chặt chẽ hơn CTCP không đại chúng) có thể uỷ quyền cho Hội Đồng Quản Trị. Tuy nhiên, lập luận này có thể không được các cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: UBCKNN) chấp nhận trên thực tế.
Bài viết do Lê Thanh Nhật thực hiện và Nguyễn Quang Vũ biên tập.