Các điều kiện vay nước ngoài nghiêm ngặt hơn đối với pháp nhân Việt Nam theo dự thảo thông tư
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) đang soạn thảo thông tư (Dự Thảo) thay thế Thông Tư 12 ngày 31 tháng 3 năm 2014 quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính Phủ bảo lãnh (Thông Tư 12/2014). Dự Thảo có một số thay đổi đáng chú ý về điều kiện vay nước ngoài của các công ty và tổ chức tín dụng Việt Nam, và về cơ bản sẽ theo hướng thắt chặt các điều kiện này.
Hạn chế các mục đích vay nước ngoài
1. Dự Thảo thu hẹp các mục đích mà doanh nghiệp có thể vay vốn nước ngoài. Cụ thể,
1.1. Đối với các khoản vay ngắn hạn nước ngoài, doanh nghiệp được vay nước ngoài để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn có nghĩa vụ phải trả trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài. Tuy nhiên, mục đích này không bao gồm việc thanh toán (i) các khoản vay trong nước với người cư trú, và (ii) các khoản nợ phát sinh từ giao dịch chi mua chứng khoán kinh doanh, mua phần vốn góp hoặc cổ phần của công ty khác, mua bất động sản đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng dự án. Không rõ trường hợp loại trừ cuối cùng chỉ đề cập đến các dự án bất động sản hay bất kỳ loại dự án nào.
Thông Tư 12/2014 hiện không áp đặt các hạn chế tương tự. Thông Tư 12/2014 chỉ yêu cầu bên đi vay không được vay ngắn hạn nước ngoài cho mục đích trung/dài hạn. Điều đó có nghĩa là theo Dự Thảo, một doanh nghiệp không được sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Không rõ liệu việc hạn chế như vậy có phải là ý định của NHNN hay không.
1.2. Đối với khoản vay dài hạn nước ngoài, doanh nghiệp được vay nước ngoài để (i) thực hiện dự án đầu tư theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của doanh nghiệp (GCNĐKĐT) hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, (ii) tăng quy mô vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc (iii) cơ cấu lại các khoản vay nước ngoài hiện hữu của doanh nghiệp. Một thay đổi tích cực liên quan đến mục đích cuối cùng đó là Dự Thảo bỏ điều kiện không làm tăng chi phí vay của khoản vay nước ngoài mới như tại Thông Tư 12/2014 hiện hành.
Tuy nhiên, Dự Thảo không còn cho phép bên đi vay được phép vay nước ngoài để thực hiện phương án kinh doanh hoặc dự án của công ty con như được cho phép tại Thông Tư 12/2014. Không rõ ý định của NHNN đối với việc loại bỏ như vậy.
Các giới hạn vay
2. Dự Thảo đưa ra một số giới hạn vay mới như sau:
2.1. Đối với các khoản vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng,
2.1.1. Trong năm 2023: tỷ lệ tổng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài tính trên vốn tự có tại ngày làm việc cuối cùng của năm liền trước thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài của tổ chức tín dụng bị giới hạn ở mức 25% (trừ trường hợp đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép giữ nguyên tỷ lệ này ở mức 100%);
2.1.2. từ năm 2024 trở đi: tỷ lệ trên giảm xuống lần lượt là 20% và 80%;
2.2. Đối với các khoản vay trung/dài hạn của các tổ chức tín dụng,
2.3. tỷ lệ giữa tổng mức rút vốn ròng của các khoản vay trung dài hạn nước ngoài tính trên vốn tự có tại ngày làm việc cuối cùng của tháng liền trước thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài của ngân hàng thương mại không được vượt quá 10% đối với ngân hàng thương mại và 50% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách;
2.4. Đối với khoản vay trung dài hạn của tổ chức phi tín dụng, tổng dư nợ vay trung dài hạn (cả trong nước và nước ngoài) của bên đi vay không được vượt quá:
2.4.1. phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc GCNĐKĐT, nếu mục đích vay nước ngoài là để thực hiện dự án đầu tư;
2.4.2. 3 lần vốn chủ sở hữu (hoặc vốn điều lệ trong trường hợp vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ của bên đi vay), nếu mục đích vay nước ngoài là để tăng quy mô vốn thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh; và
2.4.3. dư nợ gốc và lãi của khoản vay được cơ cấu, nếu mục đích vay nước ngoài là để cơ cấu lại khoản vay nước ngoài hiện hữu.
Thay thế Phương Án Kinh Doanh
3. Dự Thảo thay thế phương án sản xuất, kinh doanh sử dụng vốn vay nước ngoài (Phương Án Kinh Doanh) bằng phương án sử dụng vốn vay nước ngoài (Phương Án Sử Dụng). Ngoài việc vay để thực hiện dự án đầu tư, dường như bên đi vay phải nộp Phương Án Sử Dụng cho tất cả các mục đích vay khác. Phương Án Sử Dụng phải có một số nội dung bắt buộc, bao gồm (i) thông tin về bên đi vay, (ii) mục đích vay, (iii) quy mô vốn vay, (iv) thẩm quyền phê duyệt Phương Án Sử Dụng, và (v) cam kết liên quan đến Phương Án Sử Dụng. Những nội dung này chi tiết hơn nhiều so với những nội dung bắt buộc trong Phương Án Kinh Doanh theo Thông Tư 12/2014. Tuy nhiên, Phương Án Sử Dụng không cần phải bao gồm khả năng trả nợ của bên đi vay như trong Phương Án Kinh Doanh.
Mức trần chi phí vay nước ngoài
4. Khác với Thông Tư 12/20214, Dự Thảo quy định mức trần chi phí vay của khoản vay nước ngoài như sau:
4.1. 8%/năm trên lãi suất tham chiếu trong trường hợp khoản vay bằng ngoại tệ và sử dụng lãi suất tham chiếu;
4.2. 8%/năm trên Lãi Suất SOFR Term kỳ hạn 6 tháng do tổ chức CME công bố tại thời điểm gần nhất trước ngày ký trong trường hợp khoản vay bằng ngoại tệ và không sử dụng lãi suất tham chiếu; và
4.3. 8%/năm trên lãi suất trái phiếu Chính Phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm bằng Đồng Việt Nam tại thời điểm gần nhất trước ngày ký trong trường hợp khoản vay bằng Đồng Việt Nam.
5. Định nghĩa về chi phí vay cũng được sửa đổi để bao gồm tỷ lệ hoàn vốn nội bộ và loại trừ lãi phạt chậm trả, phí cam kết khi không rút vốn theo thỏa thuận, phí trả nợ trước hạn, phí thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ hoặc phái sinh lãi suất, và thuế nhà thầu. Tuy nhiên, Dự Thảo chưa làm rõ tỷ lệ hoàn vốn nội bộ có nghĩa là gì.
Yêu cầu mới về phòng ngừa rủi ro ngoại tệ (FX hedging)
6. Bên đi vay (không phải là các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ ngoại hối hoặc bên đi vay dự kiến có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ), phải thực hiện phòng ngừa rủi ro ngoại tệ cho:
6.1. khoản vay ngắn hạn nước ngoài có kim ngạch vay trên 500.000 USD. Phòng ngừa rủi ro ngoại tệ phải được thực hiện vào hoặc trước thời điểm rút vốn và có giá trị tối thiểu 30% giá trị rút vốn; và
6.2. khoản vay trung dài hạn với mỗi đợt chuyển tiền trả nợ gốc có giá trị trên 500.000 USD. Phòng ngừa rủi ro ngoại tệ phải được thực hiện ít nhất 3 tháng trước ngày trả nợ gốc và tương tự như đối với các khoản vay ngắn hạn, giá trị của phòng ngừa rủi ro tối thiểu phải bằng 30% số tiền trả nợ gốc.
7. Yêu cầu về phòng ngừa rủi ro ngoại tệ có hiệu lực áp dụng ngay đối với các khoản vay nước ngoài chưa rút vốn và đã được ký kết trước ngày thông tư có hiệu lực thi hành. Cụ thể, yêu cầu này sẽ áp dụng cho (i) các khoản vay ngắn hạn nước ngoài trên 500.000 USD hiện có nhưng chưa rút vốn hết, và (ii) các khoản vay trung dài hạn nước ngoài hiện có thuộc trường hợp phải thực hiện yêu cầu về phòng ngừa rủi ro ngoại tệ và chưa trả hết nợ gốc.
Yêu cầu mới về tổ chức đại diện xử lý tài sản bảo đảm
8. Dự Thảo đưa ra yêu cầu mới rằng, trường hợp khoản vay nước ngoài được bảo đảm bằng tài sản trên lãnh thổ Việt Nam thì các bên phải sử dụng tổ chức đại diện xử lý tài sản bảo đảm là pháp nhân Việt Nam. Quy định này không được áp dụng trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ. Không rõ lý do đằng sau yêu cầu này là gì. Hơn nữa, Dự Thảo không làm rõ thêm về thời điểm phải xác lập thỏa thuận đó (là thời điểm vay vốn nước ngoài hay thời điểm trước khi xử lý tài sản bảo đảm).
Bài viết này được thực hiện bởi Nguyễn Hoàng Duy và biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.