Đường Dây Tải Điện cho Các Dự Án Điện Gió Trên Biển ở Việt Nam

Đường dây tải điện là một phần không thể thiếu của bất kỳ dự án điện lực nào ở Việt Nam. Đối với dự án điện gió trên biển (Dự Án Điện Gió Trên Biển), nếu Chính Phủ và Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) không đồng ý nhận trách nhiệm để phát triển và vận hành đường dây tải điện của Dự Án Điện Gió Trên Biển như thông thường trong trường hợp của các dự án trên đất liền thì chủ đầu tư Dự Án Điện Gió Trên Biển sẽ phải nhận trách nhiệm đó và các rủi ro gắn liền với nó. Bài viết này xem xét chi tiết các vấn đề pháp lý có thể phát sinh khi Dự Án Điện Gió Trên Biển tự phát triển, sở hữu và vận hành đường dây tải điện của riêng mình theo khuôn khổ pháp lý hiện hành.

1)         Một Số Khía Cạnh Pháp Lý Chính của Đường Dây Tải Điện của một Dự Án Điện Gió Trên Biển

Cấu trúc của một đường dây tải điện

Một Dự Án Điện Gió Trên Biển phải là dự án điện gió nối lưới trên biển, được đấu nối với lưới điện quốc gia để cung cấp một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất.[1] Theo đó:

·         Một Dự Án Điện Gió Trên Biển được hưởng giá mua điện ổn định (FIT) do EVN thanh toán. Mặc dù vậy, sau khi FIT gần nhất ngừng áp dụng từ ngày 1 tháng 11 năm 2021,[2] Chính Phủ vẫn chưa quyết định về FIT mới; và

·         Một Dự Án Điện Gió Trên Biển có thể áp dụng Hợp Đồng Mua Bán Điện Mẫu hiện có (PPA) do Bộ Công Thương (BCT) ban hành.[3]

Mặc dù đã có dự thảo nghị định của BCT về chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa các nhà máy điện và khách hàng (thay vì bán cho EVN), một Dự Án Điện Gió Trên Biển không được tham gia chương trình thí điểm này do định nghĩa pháp lý hiện hành yêu cầu Dự Án Điện Gió Trên Biển phải được nối lưới.

Tùy theo cấp điện áp, hệ thống điện quốc gia được đấu nối qua lưới điện phân phối (cấp điện áp đến 110kV) hoặc lưới điện truyền tải (cấp điện áp trên 110kV).[4] Hệ thống này được quản lý và vận hành bởi đơn vị phân phối điện hoặc đơn vị truyền tải điện. Các đơn vị này thường là EVN hoặc các công ty con của EVN cho đến khi sửa đổi gần đây của Luật Điện Lực cho phép tư nhân phát triển và vận hành đường dây truyền tải điện (xem phần 3).

Trong một Dự Án Điện Gió Trên Biển, đường dây tải điện kết nối các trang trại điện gió trên biển với lưới điện quốc gia (Đường Dây Tải Điện) và bao gồm hai phần sau được phân tách bằng điểm đấu nối lên lưới điện (Điểm Đấu Nối):

·         Phần 1: đường dây tải điện từ nhà máy điện đến Điểm Đấu Nối (Đường Dây Liên Kết); và

·         Phần 2: đường dây tải điện từ Điểm Đấu Nối đến lưới điện quốc gia (Đường Dây Nối Lưới).

Điểm Đấu Nối thường là điểm giao nhận điện theo Hợp Đồng Mua Bán Điện (PPA) nơi mà điện năng sản xuất bởi Dự Án Điện Gió Trên Biển được giao cho EVN, với vai trò là bên mua của dự án. Vị trí của Điểm Đấu Nối được thỏa thuận trong thỏa thuận đấu nối giữa Dự Án Điện Gió Trên Biển và đơn vị truyền tải điện hoặc đơn vị phân phối điện, tùy từng trường hợp.[5] Do hầu hết các trạm biến áp và đường dây tải điện hiện có do EVN sở hữu và quản lý đều nằm trên bờ, nên nhiều khả năng EVN cũng có thể yêu cầu Điểm Đấu Nối phải ở trên bờ. Trong trường hợp đó, các nhà phát triển Dự Án Điện Gió Trên Biển sẽ cần xây dựng và duy trì các tuyến cáp điện ngầm từ nhà máy điện đến Điểm Đấu Nối trên bờ.

Tuân thủ quy hoạch lưới điện

Việc phát triển Đường Dây Tải Điện, dù là dự án đầu tư đường dây tải điện độc lập (đối với Đường Dây Nối Lưới) hay là một phần của Dự Án Điện Gió Trên Biển (đối với Đường Dây Liên Kết) phải tuân thủ quy hoạch phát triển điện lực.[6]

Đối với các Dự Án Điện Gió Trên Biển chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực, Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh phải có văn bản đề nghị bổ sung các dự án này vào quy hoạch gửi Bộ Công Thương xem xét theo quy định của pháp luật về quy hoạch.[7] Theo Luật Quy Hoạch năm 2017, có quy hoạch điện lực quốc gia và quy hoạch tỉnh cho từng tỉnh với một mục về điện lực phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia.[8]

·         Quy hoạch điện lực quốc gia do Bộ Công Thương xây dựng[9] và được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt.[10] Quy hoạch điện lực quốc gia được lập cho giai đoạn 10 năm, với định hướng từ 30-50 năm.[11] Đến nay, Thủ Tướng Chính Phủ đã phê duyệt quy hoạch điện lực quốc gia thứ 7 cho giai đoạn 2011-2020 và đang xử lý quy hoạch điện lực quốc gia thứ 8 cho giai đoạn 2021-2030.

·         Quy hoạch tỉnh do Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh xây dựng,[12] được Bộ KH & ĐT thẩm định,[13] và được phê duyệt bởi Thủ Tướng Chính Phủ.[14]

Các Dự Án Điện Gió Trên Biển đã có trong các quy hoạch điện lực được phê duyệt trước ngày 1/1/2019 (là ngày Luật Quy Hoạch 2017 có hiệu lực) được tiếp tục thực hiện cho đến khi các dự án nói trên chấm dứt.[15] Tuy nhiên, không rõ tỉnh nào sẽ có thẩm quyền đưa ra yêu cầu trong trường hợp Dự Án Điện Gió Trên Biển không thuộc địa bàn của tỉnh nào. Trong trường hợp đó, BCT có thể phải tự quyết định.

Báo Cáo Đánh Giá Tác Động Môi Trường (EIAR)

Một Dự Án Điện Gió Trên Biển cũng cần chuẩn bị và xin phê duyệt EIAR để phát triển Đường Dây Liên Kết (bao gồm cả cáp điện ngầm dưới biển). Điều này là vì Đường Dây Liên Kết là một phần của Dự Án Điện Gió Trên Biển và bản thân Dự Án Điện Gió Trên Biển luôn phải có EIAR theo Luật Môi Trường 2020[16] vì là dự án sử dụng khu vực biển do Thủ Tướng Chính Phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (BTNMT), hoặc Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh giao (vui lòng xem bàn luận của chúng tôi liên quan đến thủ tục giao khu vực biển cho các Dự Án Điện Gió Trên Biển để biết thêm chi tiết).

Yêu cầu an toàn đối với Đường Dây Tải Điện

Đường Dây Liên Kết của các Dự Án Điện Gió Trên Biển chủ yếu bao gồm cáp điện ngầm dưới biển, với một số bộ phận là cáp điện ngầm dưới đất hoặc cáp điện trên không khi đấu nối vào lưới điện trong đất liền hoặc đi qua các đảo. Đường Dây Liên Kết phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn, bao gồm an toàn điện, an toàn xây dựng, an toàn phòng chống cháy nổ và các quy định về bảo vệ môi trường.[17] Cùng với các yêu cầu về an toàn phát điện,[18] trong trường hợp Dự Án Điện Gió Trên Biển được phép kinh doanh truyền tải điện, các yêu cầu về an toàn truyền tải điện cũng cần được cân nhắc, chẳng hạn như[19]:

·         Đặt biển báo tại các trạm biến áp và các điểm giao cắt với đường thủy nội địa, đường cáp điện ngầm, đường bộ;

·         Đoạn đường dây cao áp vượt qua nhà ở, công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc phải được chống bằng cột thép hoặc cột bê tông cốt thép, và dây điện không được có mối nối giữa các cột, trừ dây điện có tiết diện từ 240mm vuông trở lên; và

·         Cáp điện đi ngầm trong đất, nằm trong kết cấu của công trình khác hoặc đi chung với đường dây thông tin phải bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định về trang bị điện.

2)         Khả năng Dự Án đầu tư, xây dựng, vận hành và bảo trì (O&M) Đường Dây Liên Kết

Điều 7 Quyết Định 37/2011 cho phép Dự Án Điện Gió Trên Biển đầu tư, xây dựng và O&M Đường Dây Liên Kết, là một phần của Đường Dây Tải Điện, trong khi đơn vị phân phối điện hoặc đơn vị truyền tải điện (tùy từng trường hợp) sẽ phát triển Đường Dây Nối Lưới. Thêm vào đó, Điều 27 của từng Thông Tư 39/2015 và Thông Tư 25/2016 quy định rằng:

·         Điểm Đấu Nối là ranh giới phân định tài sản giữa Dự Án Điện Gió Trên Biển và đơn vị phân phối điện/đơn vị truyền tải điện; và

·         mỗi bên sẽ tự chịu trách nhiệm về tài sản của mình theo các tiêu chuẩn và quy định của pháp luật trừ khi có thỏa thuận khác.

Vì Điểm Đấu Nối thường được đặt trên đất liền, nên các dây cáp ngầm dưới biển để tải điện từ các tuabin trên biển của Dự Án Điện Gió Trên Biển vào đất liền có khả năng sẽ do Dự Án Điện Gió Trên Biển phát triển và sở hữu như một phần của Đường Dây Liên Kết.

3)         Khả năng Dự Án Điện Gió Trên Biển đầu tư, xây dựng và O&M Đường Dây Nối Lưới

Theo nội dung sửa đổi mới nhất của Luật Điện Lực,[20] từ tháng 3/2022, các chủ đầu tư của Dự Án Điện Gió Trên Biển có quyền đầu tư, xây dựng và O&M Đường Dây Nối Lưới. Bản sửa đổi quy định rằng:

·         Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do tư nhân đầu tư xây dựng;

·         khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và phù hợp với quy hoạch điện lực; và

·         các nhà đầu tư tư nhân được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.

Theo đó, các nhà đầu tư tư nhân ít nhất sẽ có khả năng đầu tư, xây dựng và O&M Đường Dây Nối Lưới của các Dự Án Điện Gió Trên Biển kết nối với lưới điện truyền tải. Do Luật Sửa Đổi Luật Điện Lực 2022 không có quy định gì về lưới điện phân phối nên việc EVN là đơn vị phân phối điện duy nhất vẫn có thể ngăn cản các nhà đầu tư tư nhân đầu tư, xây dựng, vận hành và quản lý Đường Dây Nối Lưới của các Dự Án Điện Gió Trên Biển đấu nối vào lưới điện phân phối.

Trước khi sửa đổi, không có cơ sở pháp lý rõ ràng cho một nhà đầu tư tư nhân xây dựng, vận hành và bảo trì Đường Dây Nối Lưới. Điều này là vì:

·         Theo Điều 4.2 của Luật Điện Lực (trước khi sửa đổi vào 2022), Nhà Nước độc quyền trong hoạt động truyền tải. “Hoạt động truyền tải” có khả năng bao gồm đầu tư, xây dựng, vận hành và bảo trì Đường Dây Nối Lưới;[21]

·         Theo Điều 3.8 Thông Tư 39/2015, EVN là đơn vị phân phối điện[22] và đơn vị truyền tải điện duy nhất.[23]

4)         Khả năng sử dụng Đường Dây Tải Điện để truyền tải điện cho các Dự Án Điện Gió Trên Biển khác

Có khả năng là một Dự Án Điện Gió Trên Biển, sau khi xây dựng Đường Dây Tải Điện cho chính nó, có thể muốn sử dụng Đường Dây Tải Điện để truyền tải điện sản xuất bởi các Dự Án Điện Gió Trên Biển khác ở gần đó vào lưới điện quốc gia.

Như đã thảo luận ở trên, theo nội dung sửa đổi mới nhất của Luật Điện Lực, một Dự Án Điện Gió Trên Biển có thể truyền tải điện của các Dự Án Điện Gió Trên Biển khác bằng Đường Dây Nối Lưới kết nối với lưới điện truyền tải (nhưng không phải lưới điện phân phối). Điều này là vì:

·         Đơn vị truyền tải điện được định nghĩa là đơn vị điện lực được cấp phép hoạt động truyền tải điện, chịu trách nhiệm quản lý và vận hành lưới điện truyền tải quốc gia;[24]

·         Nếu một Dự Án Điện Gió Trên Biển được phép đầu tư, xây dựng và vận hành Đường Dây Nối Lưới theo nội dung sửa đổi Luật Điện Lực, thì Dự Án Điện Gió Trên Biển đó có thể được coi là đơn vị truyền tải vì những việc nói trên là trách nhiệm của đơn vị truyền tải theo luật hiện hành.[25]

Trong trường hợp đó, theo nội dung sửa đổi Luật Điện Lực, Dự Án Điện Gió Trên Biển sở hữu Đường Dây Tải Điện phải đảm bảo quyền của các dự án khác được đấu nối vào lưới điện truyền tải do đơn vị truyền tải xây dựng. Việc từ chối đấu nối phải tuân theo quy định của Bộ Công Thương. Ví dụ, chủ đầu tư dự án có thể từ chối bên thứ ba đấu nối với Đường Dây Nối Lưới mình nếu thiết bị của bên thứ ba không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và vận hành; hoặc việc đấu nối không tuân thủ quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt.

Theo quy định hiện hành, nếu một Dự Án Điện Gió Trên Biển truyền tải điện cho một Dự Án Điện Gió Trên Biển khác, EVN thường sẽ trả phí truyền tải vì EVN là đơn vị mua điện của Dự Án Điện Gió Trên Biển.[26] Không rõ liệu Dự Án Điện Gió Trên Biển sở hữu Đường Dây Nối Lưới và các Dự Án Điện Gió Trên Biển khác có thể đồng ý rằng các Dự Án Điện Gió Trên Biển khác đó sẽ trả phí truyền tải điện (thay vì EVN) hay không.

Trong mọi trường hợp, một Dự Án Điện Gió Trên Biển sở hữu Đường Dây Nối Lưới và sử dụng Đường Dây Nối Lưới đó để truyền tải điện cho các Dự Án Điện Gió Trên Biển khác sẽ phải đối mặt với các rủi ro bổ sung phát sinh từ hoạt động truyền tải đó. Ví dụ, nếu Đường Dây Nối Lưới bị hỏng và không thể truyền tải điện, (1) EVN có thể từ chối thanh toán phí truyền tải cho Dự Án Điện Gió Trên Biển và (2) các Dự Án Điện Gió Trên Biển khác có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất doanh thu.

Bài viết được thực hiện bởi Lê Thanh Nhật, Nguyễn Quang Vũ, và Trần Đức Long.

 

[1] Điều 2 Quyết Định 37 của Thủ Tướng Chính Phủ ngày 29 tháng 6 năm 2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, đã được sửa đổi bổ sung (Quyết Định 37/2011).

[2] Điều 14 Quyết Định 37/2011.

[3] Thông Tư số 2 của Bộ Công Thương ngày 15/01/2019 về phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió (Thông Tư 2/2019).

[4] Thông Tư số 39 của Bộ Công Thương ngày 18/11/2015 quy định về hệ thống điện phân phối (Thông Tư 39/2015).

Thông Tư số 25 của Bộ Công Thương ngày 30/11/2016 quy định về hệ thống điện truyền tải. (Thông Tư 25/2016).

[5] Điều 28.4 Thông Tư 25/2016; Điều 43.2(a) và Mục 2(b) của Phụ Lục 2D Thông Tư 39/2015.

[6] Điều 11 Luật Điện Lực; Điều 4.16 Thông Tư số 43 của Bộ Công Thương ngày 31/12/2013 về quy hoạch phát triển điện lực (Thông Tư 43/2013); Điều 22.2(b) Thông Tư 25/2016; Điều 22.2(b) Thông Tư 39/2015; và Điều 6.1 và 7.1 của Quyết Định 37/2011.

[7] Điều 4 Thông Tư 2/2019.

[8] Điều 27.2(e) của Luật Quy Hoạch 2017.

[9] Điều 14.3 Luật Quy Hoạch 2017.

[10] Điều 34.2 Luật Quy Hoạch 2017.

[11] Điều 8.3 Luật Điện Lực.

[12] Điều 14.4 Luật Quy Hoạch 2017.

[13] Điều 29.2 Luật Quy Hoạch 2017.

[14] Điều 34.2 Luật Quy Hoạch 2017.

[15] Điều 3.2 Thông Tư 02/2019; và Điều 59.3 của Luật Quy Hoạch 2017.

Nghị Quyết số 751 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 16/8/2019 giải thích một số quy định của Luật Quy Hoạch 2017.

[16] Điều 30, Điều 28.3(c), Điều 28.4(c) của Luật Môi Trường 2020; Mục 9 Phụ Lục III và Mục 8 Phụ Lục IV Nghị Định số 8 của Chính Phủ ngày 10/01/2022 hướng dẫn Luật Môi Trường 2020 (Nghị Định 8/2022).

[17] Điều 3.1 Nghị Định số 14 của Chính Phủ ngày 26/02/2014 chi tiết thi hành Luật Điện Lực về an toàn điện

[18] Điều 54 Luật Điện Lực.

[19] Điều 55 Luật Điện Lực.

[20] Điều 6 Luật Sửa Đổi Luật Điện Lực 2022.

[21] Điều 3.16 và 28.1 Thông Tư 25/2016.

[22] Điều 3.8 Thông Tư 39/2015.

[23] Tổng Công Ty Truyền Tải Điện Quốc Gia (EVNNPT) là công ty con 100% vốn của EVN, được giao giữ vị trí độc quyền Nhà Nước trong lĩnh vực truyền tải điện và thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển lưới điện truyền tải theo Điều 3.4 và 3.5(a) của Điều Lệ của EVNNPT ban hành theo Quyết Định số 10/QĐ-EVN ngày 16/01/2015 của Hội Đồng Thành Viên EVN.

[24] Điều 3.16 Thông Tư 25/2016.

[25] Điều 3.16 và 28.1 Thông Tư 25/2016.

[26] Điều 2.3 và Điều 9 Thông Tư số 02 của Bộ Công Thương ngày 10/02/2017 về phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.