Luật nước ngoài là luật điều chỉnh hợp đồng giữa các công ty có sở hữu nước ngoài tại Việt Nam

Đối với hợp đồng giữa một công ty có sở hữu nước ngoài (tức là công ty do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu và kiểm soát) và các công ty khác tại Việt Nam, quan điểm mặc định là pháp luật Việt Nam là luật điều chỉnh hợp đồng đó. Tuy nhiên, có một số lập luận hoặc cơ chế nhất định cho phép các bên lựa chọn pháp luật nước ngoài (ví dụ: luật Anh) làm luật điều chỉnh các hợp đồng đó. Các lập luận hoặc cơ chế này có thể quan trọng nếu công ty có sở hữu nước ngoài có kế hoạch huy động tài chính bao gồm cả khoản vay không truy đòi từ các bên cho vay nước ngoài dựa trên dòng tiền tạo ra từ các hợp đồng đó (ví dụ: hợp đồng mua bán điện với Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam).

Quan điểm mặc định của pháp luật Việt Nam là trong các giao dịch không có “yếu tố nước ngoài” (trong trường hợp này là hợp đồng giữa công ty có sở hữu nước ngoài và các công ty khác tại Việt Nam), các bên không được phép lựa chọn luật nước ngoài làm luật điều chỉnh cho các giao dịch đó. Theo đó, có vẻ như mặc định luật áp dụng cho các giao dịch trong nước như vậy sẽ là luật Việt Nam.

Một cơ chế cho phép các bên của các giao dịch trong nước nói trên lựa chọn luật nước ngoài làm luật điều chỉnh cho hợp đồng được quy định tại Luật Đầu Tư 2020, cụ thể là: trong hợp đồng có ít nhất một bên là công ty có sở hữu nước ngoài theo quy định tại Điều 23.1 Luật Đầu Tư 2020, các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng đó nếu thỏa thuận đó không trái với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng chỉ những hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu Tư 2020 mới được áp dụng theo cơ chế đó, nghĩa là chỉ giới hạn trong các hợp đồng liên quan đến “hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Do chưa rõ “hoạt động đầu tư kinh doanh” theo Luật Đầu Tư 2020 là gì, một cơ chế khác cho phép công ty có sở hữu nước ngoài lựa chọn luật nước ngoài điều chỉnh các hợp đồng của công ty là đưa một “yếu tố nước ngoài” vào hợp đồng. Điều này là vì Bộ Luật Dân Sự 2015 và Luật Thương Mại 2005 quy định rằng, ngoài một số trường hợp ngoại lệ, các bên trong giao dịch dân sự hoặc thương mại có yếu tố nước ngoài có thể thỏa thuận lựa chọn luật nước ngoài điều chỉnh hợp đồng. Một giao dịch sẽ chứa một yếu tố nước ngoài nếu:

·         ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài;

·         các bên tham gia là công dân, pháp nhân Việt Nam nhưng việc thiết lập, sửa đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài; hoặc

·         các bên tham gia là công dân, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Ví dụ, trong trường hợp thỏa thuận với đối tác Việt Nam, công ty có sở hữu nước ngoài có thể thêm nhà đầu tư nước ngoài làm nhà tài trợ/người bảo lãnh cho nghĩa vụ của công ty có sở hữu nước ngoài để đưa yếu tố nước ngoài vào thỏa thuận đó.

Bài viết được thực hiện bởi Lê Thanh Nhật và Nguyễn Quang Vũ.