Nghĩa vụ chứng minh liên quan đến nghĩa vụ hạn chế tổn thất trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại theo pháp luật hợp đồng Việt Nam
Theo Luật Thương Mại 2005, khi bên bị vi phạm yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm sẽ có nghĩa vụ hạn chế tổn thất mà mình phải gánh chịu (Trách Nhiệm Hạn Chế Tổn Thất). Tuy nhiên, Luật Thương Mại 2005 chưa quy định cụ thể liệu trách nhiệm chứng minh việc bên bị vi phạm đã (hoặc chưa) hoàn thành Trách Nhiệm Hạn Chế Tổn Thất sẽ thuộc về bên vi phạm hay bên bị vi phạm. Mặc dù vậy, có khả năng bên vi phạm sẽ có trách nhiệm chứng minh rằng bên bị vi phạm đã không hạn chế các thiệt hại mà bên đó phải gánh chịu.
Một mặt, có thể lập luận rằng bên bị vi phạm sẽ có nghĩa vụ chứng minh rằng mình đã thực hiện Trách Nhiệm Hạn Chế Tổn Thất bởi Điều 304 Luật Thương Mại 2005 quy định rằng bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh được “tổn thất, mức độ tổn thất” gây ra bởi hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Như vậy, có thể hiểu rằng, “mức độ tổn thất” phải được chứng minh bởi bên bị vi phạm sẽ không bao gồm khoản tổn thất đã có thể được hạn chế nếu bên bị vi phạm đã hoàn thành Trách Nhiệm Hạn Chế Tổn Thất ( hay tất cả các biện pháp hợp lý đã được tiến hành nhằm hạn chế tổn thất). Nói cách khác, để chứng minh hoặc yêu cầu bên vi phạm bồi thường một khoản thiệt hại cụ thể, bên bị vi phạm phải tính đến yếu tố Trách Nhiệm Hạn Chế Tổn Thất của mình đã được hoàn thành và sẽ có trách nhiệm chứng minh mình đã tuân thủ Trách Nhiệm Hạn Chế Tổn Thất.
Mặt khác, bên bị vi phạm có thể lập luận rằng bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh việc bên bị vi phạm đã không tuân thủ Trách Nhiệm Hạn Chế Tổn Thất. Điều này là bởi yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại là “quyền” của bên vi phạm. Do đó, để thực hiện quyền này, bên vi phạm cần phải chứng minh rằng bên bị vi phạm đã không tuân thủ Trách Nhiệm Hạn Chế Tổn Thất. Cách lập luận này tương tự với cách giải thích về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của bên bị vi phạm. Cụ thể, do yêu cầu bồi thường thiệt hại là “quyền” của bên bị vi phạm, bên bị vi phạm sẽ có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại.
PGS.TS Đỗ Văn Đại có cùng quan điểm với nhận định thứ hai trong cuốn “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam” của ông (trang 266). Cụ thể, PGS.TS Đỗ Văn Đại bình luận rằng bên vi phạm có trách nhiệm phải (i) chứng minh rằng tổn thất đáng lẽ phải được hạn chế bởi bên bị vi phạm, và (ii) làm rõ mức tổn thất cụ thể lẽ ra đã hạn chế được . Cần lưu ý rằng theo Luật Anh, nghĩa vụ chứng minh cũng thuộc về bên vi phạm và buộc bên vi phạm phảicho thấy rằng bên bị vi phạm đã không hạn chế thiệt hại.
Theo quan điểm của chúng tôi, sẽ hợp lý khi yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm chứng minh bên bị vi phạm đã không tuân thủ Trách Nhiệm Hạn Chế Tổn Thất trước khi đưa ra yêu cầu giảm bớt một khoản thiệt hại cụ thể.
Bài viết được thực hiện bởi Trịnh Phương Thảo và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ