Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại gián tiếp (reflective loss) theo Luật Doanh Nghiệp 2014

Nếu giám đốc của một công ty cổ phần (Công Ty) vi phạm trách nhiệm của người quản lý (fiduciary duties) của mình và gây thiệt hại cho Công Ty, theo Điều 161.1 của Luật Doanh Nghiệp 2014, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 1% cổ phần phổ thông trở lên trong sáu tháng liên tiếp (Cổ Đông 1%) có thể nhân danh chính mình hoặc nhân danh Công Ty để khởi kiện dân sự đối với giám đốc. Tuy nhiên, không rõ liệu (1) Cổ Đông 1% có thể yêu cầu giám đốc bồi thường trực tiếp cho Cổ Đông 1% hay (2) Cổ Đông 1% chỉ có thể yêu cầu giám đốc bồi thường cho Công Ty. Hay nói cách khác, không rõ liệu Cổ Đông 1% có thể yêu cầu giám đốc bồi thường đối với thiệt hại gián tiếp hay không (ví dụ: sụt giảm giá trị cổ phần của Cổ Đông này trong Công Ty).

Các luận điểm sau đây hỗ trợ cho quan điểm rằng Cổ Đông 1% không thể yêu cầu bồi thường đối với thiệt hại gián tiếp:

·          Theo Luật Doanh Nghiệp 2014, một cổ đông không được phép rút vốn khỏi công ty dưới mọi hình thức. Nếu cho phép yêu cầu bồi thường thiệt hại gián tiếp thì Cổ Đông 1% được gián tiếp rút vốn khỏi Công Ty, điều trái với nguyên tắc do Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định;

·          Theo Điều 190 của Luật Doanh Nghiệp 2014, trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện các hoạt động kinh doanh trái với các thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện các hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con, thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. Nếu công ty mẹ không bồi thường cho công ty con, Cổ Đông 1% của công ty con có thể nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù cho công ty con. Bối cảnh theo Điều 190 của Luật Doanh Nghiệp 2014 tương tự như bối cảnh theo Điều 161 của Luật Doanh Nghiệp 2014;

·          Điều 149.4 của Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định rằng các thành viên Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) đã bỏ phiếu cho một nghị quyết HĐQT mà trái với pháp luật hoặc điều lệ Công Ty khiến Công Ty bị thiệt hại, thì phải liên đới chịu trách nhiệm về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho Công Ty; và

·          Tương tự, Điều 157.4 của Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định rằng Tổng Giám Đốc (TGĐ) mà không điều hành công ty theo pháp luật, điều lệ Công Ty, hợp đồng đã ký với Công Ty hoặc nghị quyết của HĐQT khiến Công Ty phải chịu (những) thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại cho Công Ty.

Các luận điểm sau đây hỗ trợ quan điểm rằng Cổ Đông 1% có thể đòi bồi thường đối với thiệt hại gián tiếp:

·           Câu chữ của các quy tắc về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ Luật Dân Sự 2015 mang tính khái quát và chung chung. Tùy thuộc vào tình huống cụ thể, ngay cả khi Công Ty chịu tổn thất trực tiếp, Cổ Đông có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại gián tiếp nếu Cổ Đông này có thể chứng minh rằng thiệt hại gián tiếp đó có thể được bồi thường như là thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ Luật Dân Sự 2015; và         

·           Vì Cổ Đông có thể thay mặt Công Ty để khởi kiện giám đốc, nên có thể lập luận rằng: vì Công Ty có quyền được bồi thường, Cổ Đông có thể thay mặt Công Ty thu xếp với giám đốc để bồi thường cho Cổ Đông theo tỷ lệ tương ứng thay vì bồi thường cho Công Ty.         

Có vẻ như quan điểm phản đối yêu cầu bồi thường thiệt hại gián giếp là hợp lý với nhiều căn cứ pháp lý hỗ trợ hơn. 

Bài viết được thực hiện bởi Lê Thanh Nhật và Nguyễn Quang Vũ.