HƯỚNG DẪN MỚI VỀ THỦ TỤC RÚT GỌN TRONG GIẢI QYẾT TRANH CHẤP VỀ XỬ LÝ NỢ XẤU TẠI VIỆT NAM
Ngày 15 tháng 5 năm 2018, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị Quyết 3 về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu (Nghị Quyết 3). Nghị Quyết 3 là văn bản thi hành Nghị Quyết 42 của Quốc Hội về nợ xấu (Nghị Quyết 42). Nghị Quyết 3 có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2018 và sẽ hết hiệu lực khi Nghị Quyết 42 hết hiệu lực vào tháng 8 năm 2022. Nghị Quyết 3 sẽ áp dụng với các yêu cầu (1) được tòa án thụ lý giải quyết trước ngày 1 tháng 7 năm 2018 nhưng chưa được đưa ra xét xử; và (2) đã được thụ lý trong thời gian Nghị Quyết 3 có hiệu lực thi hành nhưng vẫn đang giải quyết khi Nghị quyết này hết hiệu lực. Nghị Quyết 3 không được áp dụng để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Nghị Quyết 42 cho phép các tranh chấp liên quan tới tài sản bảo đảm của nợ xấu được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Nghị Quyết 3 quy định chi tiết thêm rằng:
· Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của nợ xấu được làm rõ là tranh chấp về việc bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm (1) không giao tài sản bảo đảm hoặc (2) giao không đúng theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm hoặc bên có quyền xử lý tài sản bảo đảm; và
· Tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được làm rõ là tranh chấp về việc xác định người có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Theo thủ tục rút gọn, đơn khởi kiện phải kèm theo các tài liệu sau:
· Hợp đồng tín dụng;
· Tài liệu chứng minh khoản nợ đang có tranh chấp là nợ xấu;
· Hợp đồng bảo đảm (trong đó nên có quy định về nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý) và tài liệu chứng minh việc đã đăng ký giao dịch bảo đảm; và
· Tài liệu, chứng cứ về nơi cư trú, làm việc, trụ sở chính của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
Ngoài hợp đồng bảo đảm, nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý cũng có thể được ghi nhận trong phụ lục của hợp đồng bảo đảm hoặc các tài liệu khác có giá trị như hợp đồng.
Nghị Quyết 3 cũng hướng dẫn về việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng. Bên mua nợ xấu sẽ kế thừa toàn bộ hoặc một phần quyền và nghĩa vụ tố tụng của bên bán tương ứng với phần nợ xấu được mua. Việc xác định như vậy có thể được tòa án công nhận kể từ ngày tòa nhận được tài liệu chứng minh hợp đồng mua bán khoản nợ xấu có hiệu lực và bên mua có quyền đối với khoản nợ xấu.
Nghị Quyết 42 quy định rằng bên cho vay có thể thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nếu (bao gồm nhưng không giới hạn) tài sản bảo đảm (1) không phải là đối tượng tranh chấp trong một vụ án đã được tòa án thụ lý, (2) không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, (3) không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Nghị Quyết 3 quy định thêm rằng bên cho vay không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên vay đã bị tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, bên cho vay vẫn có thể thu giữ tài sản bảo đảm nếu tài sản bảo đảm đó là tài sản của bên thứ ba dùng để bảo đảm cho bên vay..
Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Hoàng Duy, luật sư cộng sự của Venture North Law.