Thông tư 39/2016 – Quy định mới về hoạt động cho vay của ngân hàng tại Việt Nam
Tháng 12/2016, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã ban hành Thông tư 39/2016, thay thế Quyết định 1627/2001, về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhành ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Thông tư 39/2016 có nhiều điểm mới quan trọng. Cụ thể:
- Để chấm dứt hợp đồng cho vay và thu hồi nợ trước hạn, ngân hàng phải chứng minh bên vay đã cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Trong khi chờ đợi những hướng dẫn chi tiết từ SBV, quy định này có vẻ đã hạn chế khả năng thu hồi nợ của ngân hàng trong trường hợp đòi nợ trước hạn theo hợp đồng vay. Ví dụ, trường hợp vi phạm xuất phát từ bên thứ ba (bên bảo lãnh) có thể không thỏa mãn điều kiện thu hồi nợ mới.
- Để thống nhất với Bộ Luật Dân Sự 2015, hiện tại chỉ cá nhân hoặc pháp nhân có thể vay vốn ngân hàng tại Việt Nam. Các loại tổ chức khác (ví dụ, doanh nghiệp tư nhân hoặc Quỹ Đầu Tư (nếu không có tư cách pháp nhân) sẽ không được phép vay ngân hàng. Trước đây, các tổ chức này vẫn được phép vay ngân hàng.
- Lãi suất trên khoản vay của ngân hàng được tính trên cơ sở một năm có 365 ngày thay vì 360 ngày như trước đó. Quy định này có thể gây ra những khó khăn nhất định về mặt kỹ thuật cho ngân hàng trong việc điều chỉnh hệ thống phần mềm nội bộ.
- Một khoản vay cần có mục đích sử dụng vốn.
- Thông tư 39/2016 hướng dẫn chi tiết việc áp dụng các quy đinh cho vay. Cụ thể, Các hoạt động cho vay cụ thể được quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì thực hiện theo quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư 39/2016 sẽ được áp dụng nếu Thông tư 39/2016 được dẫn chiếu trong các văn bản riêng hoặc nếu các văn bản riêng không có quy định. Quy định này trao cho SBV và Thủ tướng quyền quyết định những thỏa thuận cho vay không thuộc Thông tư 39/2016.
- Thông tư 39/2016 quy định, ngân hàng phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường khi gia hạn khoản nợ cho bên vay. Tuy nhiên, các quy định về môi trường lại không có bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động tài chính.
- Hiện tại, chỉ có trường hợp kéo dài kỳ hạn trả nợ được coi là cơ cấu lại nợ. Theo Quyết định 1627/2001, rút ngắn kỳ hạn trả nợ cũng được coi là cơ cấu lại nợ.
- Việc thực hiện tái cấp vốn đối với một số loại khoản vay đã được cho phép (ví dụ, tái cấp vốn khoản vay vay tại một ngân hàng khác hoặc tái cấp vốn khoản vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình).
- Thông tư 39/2016 cấm hoạt động vay vốn đối với các hoạt động đầu tư, giao dịch, các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ mà pháp luật cấm. Phạm vi cấm của quy định này rộng hơn so với Quyết định 1627/2001 (Quyết định 1627 chỉ cấm tài sản hoặc giao dịch).
- Theo Thông tư 39/2016, đồng tiền trả nợ phải là đồng tiền cho vay của khoản vay.
- Thông tư 39/2016 dường như đã giới hạn các loại phí mà tổ chức tín dụng có thể thu từ khách hàng. Các loại phí được áp dụng bao gồm (i) Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn; (ii) Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng; (iii) Phí thu xếp cho vay hợp vốn; (iv) Phí cam kết và (v) các loại phí khác liên quan đến hoạt động vay nợ được quy định cụ thể trong các văn bản luật liên quan. Tuy nhiên, phí cam kết chỉ thanh toán từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu. Quy định này có thể gây khó khăn cho ngân hàng vì, theo như quy định này, bên vay có thể rút ngay một phần nhỏ vốn vay trong hợp đồng để tránh việc phải trả phí cam kết.
- Ngân hàng chỉ có 10 ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ (ví dụ gia hạn khoản nợ).
- Hợp đồng cho vay được lập bằng tiếng Việt hoặc đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Các văn bản liên quan khác có thể sử dụng tiếng nước ngoài nhưng phải được dịch sang tiếng Việt và phải có xác nhận bản dịch theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Thông tư 39/2016 cho phép thực hiện vay tuần hoàn hoặc các loại vay quay vòng khác. Tuy nhiên, Thông tư 39/2016 không cho phép ngân hàng cung cấp các loại khoản vay chưa được Thông tư 39/2016 dự tính. Trước đó, Quyết định 1627/2001 cho phép ngân hàng cung cấp các khoản vay mà pháp luật không cấm.
- Khoản vay quy định rõ lãi suất theo tỷ lệ phần trăm. Yêu cầu này dường như đã hạn chế những khoản vay được tính lãi suất dựa trên số tuyệt đối.
- Thông tư 39/2016 cho phép ngân hàng tính lãi suất (nhưng không vượt quá 10%) đối với lãi suất quá hạn. Tuy nhiên, không có bất kỳ chế tài nào được đặt ra đối với bên vay nếu bên vay không trả tiền lãi và ngân hàng đã tính lãi đối với khoản lãi quá hạn.
- Nếu bên vay không trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay, ngân hàng thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau. Trước đây, ngân hàng thường thu nợ lãi tiền vay trước và sau đó mới đến nợ gốc.
- Ngân hàng phải xem xét xác định lại hạn mức tín dụng, một năm ít nhất một lần trong thời hạn của khoản vay.
Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Hoàng Duy – Luật sư cộng sự tại Venture North Law.