Vietnam Business Law

View Original

Các biện pháp mới để kiểm soát phát thải khí nhà kính ở Việt Nam

Trong tháng 1 năm 2022 này, ba văn bản pháp luật mới đã được ban hành liên quan đến việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, bao gồm:

·         Nghị định 6 của Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 7 tháng 1 năm 2022 (Nghị Định 6/2022);

·         Thông tư 1 của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (Bộ TN&MT) ban hành và có hiệu lực từ ngày 7 tháng 1 năm 2022 về ứng phó với biến đổi khí hậu (Thông Tư 1/2022); và

·         Quyết định 1 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc ban hành danh mục các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính được ban hành và có hiệu lực từ ngày 18/01/2022 (Quyết Định 1/2022).

Các văn bản pháp luật này dường như là một bước để thực hiện cam kết của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải các-bon ròng vào năm 2050 tại COP26.

Thứ nhất, theo Quyết Định 1/2022, có 21 lĩnh vực và 1912 cơ sở (Cơ Sở Mục Tiêu) phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh sách này sẽ được xem xét lại hai năm một lần.

Thứ hai, các Cơ Sở Mục Tiêu này phải giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lộ trình sau:

·         Cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính, thiết lập và tiến hành các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của cơ sở; và

·         Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do Bộ TN&MT phân bổ; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

Ngoài ra, các Cơ Sở Mục Tiêu này phải, trong số các công việc khác,

·         tuân thủ các quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

·         bắt đầu từ năm 2027, gửi báo cáo tình hình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của năm trước đến cơ quan nhà nước có liên quan trước ngày 31 tháng 3 hàng năm;

·         bắt đầu từ năm 2023 và định kỳ hai năm một lần, cung cấp cho cơ quan có liên quan dữ liệu về hoạt động và thông tin liên quan trong năm liền trước để phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở đó trước ngày 31 tháng 3;

·         bắt đầu từ năm 2023 và định kỳ hai năm một lần, tiến hành kiểm kê khí nhà kính, lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính và gửi báo cáo đó cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thẩm định; và

·         bắt đầu từ năm 2025 và định kỳ hai năm một lần, hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính và gửi báo cáo đó cho Bộ TN&MT trước ngày 1 tháng 12 của kỳ báo cáo.

Thứ ba, các Cơ Sở Mục Tiêu được phép tham gia vào thị trường các-bon trong nước. Cơ Sở Mục Tiêu có thể nộp đơn tại Bộ TN&MT để được cấp giấy xác nhận tín chỉ các-bon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên thị trường các-bon trong nước. Bộ TN&MT sẽ cấp giấy xác nhận trong vòng 15 ngày làm việc.

Thứ tư, Nghị Định 6/2022 quy định cụ thể tám chất làm suy giảm tầng ô-dôn được kiểm soát và một chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, cũng như đưa ra lộ trình quản lý và loại trừ các chất bị kiểm soát đó. Chi tiết về các chất được kiểm soát quy định tại Phụ Lục III của Thông Tư 1/2022.

·         Các tổ chức phải đăng ký việc sử dụng các chất được kiểm soát với Bộ TN&MT trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 nếu tổ chức đó nhập khẩu, xuất khẩu hoặc sản xuất các chất được kiểm soát; sản xuất, nhập khẩu, hoặc sở hữu thiết bị hoặc sản phẩm có hoặc được sản xuất từ các chất được kiểm soát; hoặc thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ TN&MT sẽ công bố thông tin tổ chức hoàn thành việc đăng ký sử dụng chất kiểm soát trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các tổ chức được phân bổ hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC trước ngày 7 tháng 1 năm 2022 và đã đăng ký hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC cho năm 2022, không phải đăng ký việc sử dụng các chất bị kiểm soát như đã thảo luận ở trên.

·         Các tổ chức nhập khẩu, xuất khẩu hoặc sản xuất các chất được kiểm soát sẽ được phân bổ hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất được kiểm soát. Các tổ chức có thể yêu cầu sửa đổi hoặc bổ sung hạn ngạch bằng cách gửi văn bản yêu cầu tới Bộ TN&MT trước ngày 10 tháng 7 hàng năm. Bộ TN&MT sẽ quyết định và ban hành quyết định điều chỉnh và bổ sung hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất bị kiểm soát trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tuy nhiên, quyết định đó của Bộ TN&MT có thể bị hủy bỏ nếu có bất kỳ thông tin sai lệch nào liên quan đến việc sử dụng các chất bị kiểm soát của các tổ chức hoặc việc chuyển nhượng hoặc sử dụng trái phép quyết định phân bổ, điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất bị kiểm soát.

Bài này được thực hiện bởi Lê Minh Thùy và được biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.