Vietnam Business Law

View Original

NHỮNG THAY ĐỔI ĐÁNG CHÚ Ý VỀ QUY ĐỊNH VAY VÀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI

Trong khi chờ ban hành Thông Tư mới thay thế Thông Tư 12/2014 hiện hành về việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (Thông Tư Mới Về Vay Nước Ngoài), vào ngày 30 tháng 9 năm 2022, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) ban hành Thông Tư 12/2022/TT-NHNN, hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (Thông Tư 12/2022) thay thế Thông Tư 03/2016/TT-NHNN kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2022 (như được sửa đổi) (Thông Tư 03/2016).

Thông Tư 12/2022 được kỳ vọng sẽ hoàn thiện khung pháp lý về việc doanh nghiệp vay và trả nợ các khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hướng dẫn một số nội dung có thể được xử lý trong Thông Tư Mới Về Vay Nước Ngoài.

Chúng tôi thảo luận dưới đây về một số thay đổi chính được đưa ra bởi Thông Tư 12/2022.

1. Bắt buộc sử dụng Trang điện tử của NHNN (www.sbv.gov.vn hoặc ww.qlnh-sbv.cic.org.vn) (SBV Portal)

1.1.         Khác với Thông Tư 03/2016 khi mà việc sử dụng Trang điện tử của NHNN không bắt buộc, thì theo Thông Tư 12/2022, bên vay bắt buộc phải đăng ký tài khoản tại Trang điện tử của NHNN và gửi báo cáo về khoản vay nước ngoài của mình cho NHNN thông qua Trang điện tử này.

1.2.         Để đẩy nhanh quá trình đăng ký, bên vay cũng có thể chọn khai báo hầu như tất cả các thông tin liên quan đến khoản vay đã đăng ký của mình, hoặc thay đổi đăng ký khoản vay nước ngoài qua Trang điện tử của NHNN trước khi nộp đơn đăng ký bằng bản cứng cho NHNN theo hình thức truyền thống.

2.            Báo cáo hàng tháng

2.1.         Bên vay phải báo cáo NHNN về tình hình của các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn qua Trang điện tử NHNN theo tháng, thay vì theo quý như quy định tại Thông Tư 03/2016 trước đây.

3.            Kéo dài thời gian phát sinh yêu cầu đăng ký khoản vay ngắn hạn

3.1.         Theo Thông Tư 03/2016 trước đây, một khoản vay nước ngoài ngắn hạn sẽ phải đăng ký với NHNN nếu không trả được nợ gốc trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tròn 1 năm của khoản vay. Theo Thông Tư 12/2022, thời gian này được kéo dài thành 30 ngày làm việc.

4.            Xác định lại ngày rút vốn khoản vay

4.1.         Thông Tư 12/2022 xác định lại ngày rút vốn khoản vay. Cụ thể, ngày rút vốn khoản vay là:

4.1.1.     ngày mà tiền được ghi “có” vào tài khoản của bên đi vay với các khoản vay được giải ngân bằng tiền. Trước đây, ngày này là ngày giải ngân;

4.1.2.     ngày mà bên cho vay thanh toán cho người không cư trú cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho một người cư trú là bên vay. Ngày này không được quy định trong Thông Tư 03;

4.1.3.     ngày bên vay được ghi nhận là hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên cho vay trong trường hợp các bên lựa chọn rút vốn khoản vay dưới hình thức bù trừ nghĩa vụ thanh toán giữa bên vay nợ và bên cho vay. Tương tự, ngày này không được quy định trong Thông Tư 03/2016;

4.1.4.     ngày bên vay nhận được tài sản thuê trong trường hợp khoản vay dưới hình thức thuê tài chính nước ngoài. Trước đây, ngày rút vốn trong trường hợp đó được tính là ngày thông quan; hoặc

4.1.5.     ngày bên vay được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ngày ký hợp đồng PPP, hoặc ngày các bên ký kết thỏa thuận vay nước ngoài để chuyển số tiền chuẩn bị đầu tư thành vốn vay (tùy thuộc ngày nào đến sau), áp dụng cho các khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển đổi số tiền chuẩn bị đầu tư.

5.            Thực hiện khoản vay nước ngoài trong trường hợp bên đi vay tái cấu trúc

5.1.         Thông Tư 12/2022 đưa ra một số hướng dẫn mới giải quyết vấn đề trả nợ khoản vay nước ngoài trong trường hợp bên đi vay tái cấu trúc (Bên Đi Vay Tái Cấu Trúc)

5.1.1.     nếu chỉ có một tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ của Bên Đi Vay Tái Cấu Trúc, bên cho vay và tổ chức kế thừa sẽ thỏa thuận để xác định việc kế thừa các quyền và nghĩa vụ của Bên Đi Vay Tái Cấu Trúc.

5.1.2.     nếu có nhiều tổ chức liên đới cùng chịu trách nhiệm về nghĩa vụ hoàn trả khoản vay nước ngoài:

(a)          những tổ chức kế thừa sẽ ủy quyền cho một tổ chức kế thừa thực hiện các thủ tục hành chính và nghĩa vụ báo cáo liên quan đến khoản vay nước ngoài;

(b)          những tổ chức kế thừa sẽ mở một tài khoản thanh toán chung làm tài khoản vay nước ngoài hoặc mở các tài khoản vay nước ngoài riêng tại cùng một ngân hàng để tiếp tục trả nợ khoản vay nước ngoài;

(c)           nếu một trong các tổ chức kế thừa là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì không bắt buộc phải sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DICA) để trả khoản vay đó mà sẽ tuân theo nguyên tắc được nêu trong mục 5.1.2(b) và ngân hàng mở tài khoản chung thanh toán khoản vay nước ngoài hoặc tài khoản vay nước ngoài không nhất thiết phải là ngân hàng mở DICA.

5.1.3.     Tổ chức kế thừa nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký hoặc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.

6.            Thêm các trường hợp không phải là đối tượng đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài

6.1.         Thông Tư 12/2022 mở rộng các trường hợp bên đi vay không phải đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài mà chỉ thông báo thay đổi qua Cổng thông tin điện tử của NHNN. Các trường hợp đó bao gồm:

6.1.1.     thay đổi tên giao dịch của ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm;

6.1.2.     thay đổi kế hoạch trả nợ lãi, phí của khoản vay nước ngoài so với kế hoạch được xác nhận/duyệt mà không thay đổi cách tính lãi, phí theo quy định tại thỏa thuận vay. Bên vay phải lập bảng tính lãi, phí phải trả để làm cơ sở cho ngân hàng thực hiện việc giải ngân có liên quan;

6.1.3.     thay đổi số tiền rút vốn hoặc trả nợ gốc, lãi hoặc phí tối đa 100 đơn vị ngoại tệ so với số tiền đã đăng ký; và

6.1.4.     số tiền  rút vốn hoặc trả nợ gốc thực tế trong một kỳ cụ thể ít hơn số tiền đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký khoản vay nước ngoài.

7.            Tài khoản thực hiện khoản vay nước ngoài của bên cho vay

7.1.        Thông Tư 12/2022 đưa ra một yêu cầu mới theo đó bên cho vay phải mở một tài khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam tại một tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho các mục đích sau:

7.1.1.     Giải ngân và thu hồi nợ của khoản vay nước ngoài bằng VND trong trường hợp bên vay là doanh nghiệp FDI nhận vốn vay nước ngoài có nguồn gốc từ lợi nhuận phân phối cho bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp FDI đó;

7.1.2.     Thu hồi các khoản nợ vay ngắn hạn phải đăng ký nhưng không đủ điều kiện đăng ký; và

7.1.3.     Thu hồi các khoản nợ vay nước ngoài còn dư nợ mà văn bản xác nhận đăng ký, hoặc đăng ký thay đổi bị chấm dứt hiệu lực do hồ sơ có do thông gian lận, tài liệu giả mạo. Trong trường hợp đó, bên đi vay sẽ hoàn trả dư nợ bằng VND từ tài khoản thanh toán bằng VND của mình (thay vì tài khoản vay nước ngoài của bên đi vay) vào tài khoản vay nước ngoài bằng VND của bên cho vay.

8.            Tài liệu thay thế nếu không có được xác nhận từ phía ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản vay

8.1.         Nếu bên cho vay không thể có được xác nhận từ phía ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản vay nước ngoài về việc rút vốn và trả nợ khoản vay nước ngoài do ngân hàng cung ứng tài khoản đóng cửa hoặc tạm dừng hoặc khoản vay nước ngoài không được rút qua tài khoản vay nước ngoài trong một số trường hợp được phép, cho mục đích đăng ký khoản vay nước ngoài hoặc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài, Thông Tư 12/2022 cho phép bên đi vay nộp các tài liệu thay thế sau cho NHNN, tùy từng trường hợp áp dụng:

8.1.1.     báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc soát xét thể hiện bên vay đã tiếp nhận khoản vay nước ngoài và dư nợ;

8.1.2.     văn bản xác nhận của ngân hàng nước ngoài nơi bên vay mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ để rút vốn vay và trả nợ vay; hoặc

8.1.3.     thư xác nhận của ngân hàng nước ngoài xác nhận số tiền bên cho vay đã thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng là người không cư trú cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho bên đi vay.

9.            Giao dịch phòng ngừa rủi ro ngoại tệ thông qua ngân hàng cung ứng tài khoản vay

9.1.         Như đã đề cập trong bài viết của chúng tôi về Thông Tư mới về khoản vay nước ngoài (see the Link), Thông Tư Mới Về Vay Nước Ngoài có thể có các điều khoản yêu cầu bên đi vay thực hiện phòng ngừa rủi ro ngoại tệ cho các khoản vay nước ngoài của họ.

9.2.         Cùng với yêu cầu mới này, Thông Tư 12/2022 cũng bổ sung giao dịch mua-bán liên quan đến phòng ngừa rủi ro ngoại tệ được phép thực hiện thông qua tài khoản vay nước ngoài của bên đi vay. Tuy nhiên, các giao dịch này chỉ có thể thực hiện sau khi Thông Tư Mới Về Vay Nước Ngoài được thông qua và có hiệu lực.

10.          Trả nợ khoản vay nước ngoài thông qua hình thức hoán đổi cổ phần

10.1.      Thông Tư 03/2016 công nhận việc hoàn trả khoản vay nước ngoài bằng cổ phần hoặc phần vốn góp của bên đi vay, điều này dường như chỉ đề cập đến việc chuyển đổi dư nợ vay nước ngoài thành cổ phần/phần vốn góp của chính bên đi vay.

10.2.      Thông Tư 12/2022 cho phép bên đi vay hoàn trả khoản vay nước ngoài thông qua việc hoán đổi dư nợ vay thành cổ phần hoặc phần vốn góp thuộc sở hữu bên đi vay hoặc hoán đổi cổ phần (tức là trả bằng cổ phần hoặc phần vốn góp của các doanh nghiệp khác thuộc sơ hữu của bên đi vay).

11.          Thêm trách nhiệm của ngân hàng trong việc đối chiếu các tài liệu liên quan đến khoản vay nước ngoài

11.1.      Tương tự như Thông Tư 03/2016, Thông Tư 12/2022 cũng áp đặt cho ngân hàng trách nhiệm đối chiếu và đảm bảo việc rút vốn và trả nợ các khoản vay nước ngoài phải phù hợp với các tài liệu cơ sở và các quy định về ngoại hối.

11.2.      Ngoài việc kiểm tra đối chiếu giữa giấy chứng nhận đăng ký khoản vay nước ngoài và thỏa thuận vay nước ngoài, Thông Tư 12/2022 cũng yêu cầu ngân hàng phải đảm bảo tính thống nhất giữa các giao dịch liên quan đến khoản vay nước ngoài và các tài liệu bổ sung sau:

11.2.1.   Phương án sử dụng vốn vay, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài ngắn hạn;

11.2.2.   Chứng từ chứng minh việc bên bảo đảm đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm liên quan đến khoản vay nước ngoài;

11.2.3.   Tài liệu chứng minh việc tuân thủ của bên đi vay đối với chế độ báo cáo trực tuyến áp dụng cho các khoản vay nước ngoài ngắn hạn; và

11.2.4.   Các tài liệu chứng minh rằng bên đi vay đã thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro ngoại tệ đối với kỳ thanh toán liên quan (chỉ áp dụng sau khi Thông Tư Mới Về Vay Nước Ngoài được thông qua và có hiệu lực).

12.          Bổ sung quy định về giao dịch bảo đảm liên quan đến khoản vay nước ngoài

12.1.      Thông Tư 12/2022 có một số quy định mới về giao dịch bảo đảm liên quan đến các khoản vay nước ngoài. Cụ thể:

Ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm (Ngân Hàng Phục Vụ GDBĐ)

12.1.1. Thông Tư 12/2022 đưa ra khái niệm mới “Ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm” (Ngân Hàng Phục Vụ GDBĐ) được định nghĩa là tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung ứng dịch vụ chuyển tiền liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm hoặc tiền thu được từ việc thực hiện giao dịch bảo đảm liên quan đến khoản vay nước ngoài. Ngân Hàng Phục Vụ GDBĐ cũng có thể là ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản vay nước ngoài.

12.1.2. Thông Tư 12/2022 yêu cầu các giao dịch sau phải thực hiện thông qua một Ngân Hàng Phục Vụ GDBĐ:

(a)          chuyển tiền được bảo lãnh cho bên cho vay nước ngoài bởi bên bảo lãnh là người cư trú, trừ trường hợp bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; và

(b)          chuyển tiền thu được từ việc thi hành tài sản bảo đảm cho bên cho vay nước ngoài hoặc đại diện của bên cho vay để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.

Hoàn trả khoản nhận nợ của bên đi vay cho bên bảo đảm

12.1.3.   Khoản nhận nợ bên đi vay nợ bên bảo đảm (sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo đảm) (Nợ Bảo Đảm) không vượt quá số tiền bên đi vay nợ theo thỏa thuận vay nước ngoài và được hoàn trả thông qua việc xử lý giao dịch bảo đảm.

12.1.4.   Bất kỳ khoản lãi hoặc phí nào được áp dụng cho Nợ Bảo Đảm giữa bên đi vay và bên bảo đảm là người cư trú phải tuân thủ quy định của Bộ Luật Dân Sự.         

12.1.5.   Nếu bên bảo đảm là người không cư trú thì tổng số tiền lãi và phí mà bên vay phải trả cho bên bảo đảm (quy đổi thành tỷ lệ phần trăm hàng năm trên Nợ Bảo Đảm) không được vượt quá mức lãi suất quá hạn quy định trong hợp đồng vay nước ngoài có liên quan.

12.1.6.   Việc hoàn trả Nợ Bảo Đảm của bên đi vay cho bên bảo đảm là người không cư trú phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn vay nước ngoài. Nếu đồng tiền trả nợ khác với đồng tiền của tài khoản vốn vay nước ngoài hiện có thì bên vay có thể mở một tài khoản vốn vay nước ngoài khác tại cùng một ngân hàng cho mục đích trả nợ này.

Bài viết được thực hiện bởi Đỗ Nhật Hà và biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.