Vietnam Business Law

View Original

Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể được giải quyết bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam không?

Pháp luật Việt Nam không quy định rõ ràng rằng một yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tức là một yêu cầu bồi thường không dựa trên cơ sở vi phạm hợp đồng) có thể được giải quyết bằng trọng tài thương mại hay không. Tuy nhiên, Tòa Án Việt Nam dường như có quan điểm rằng các yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng không thể được giải quyết bằng trọng tài thương mại. Việc trả lời được câu hỏi này cũng rất quan trọng trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài giải quyết các yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng. Điều này là vì Tòa Án Việt Nam có thể từ chối công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài nếu tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài theo pháp luật Việt Nam.

Lập luận ủng hộ quan điểm rằng yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng có thể được giải quyết bằng trọng tài theo pháp luật Việt Nam dựa trên Luật Trọng Tài Thương Mại 2010 ( LTTTM 2010 ). Cụ thể, LTTTM 2010 không loại trừ các yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng khỏi các trường hợp được giải quyết bằng trọng tài thương mại. Thay vào đó, theo LTTTM 2010, miễn là có thỏa thuận trọng tài giữa các bên tranh chấp và ít nhất một bên tranh chấp tham gia vào các hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, các lập luận ủng hộ quan điểm rằng yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng không thể được giải quyết bằng trọng tài theo pháp luật Việt Nam dựa trên nhiều cơ sở khác nhau. Đặc biệt,

·         Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 ( BLTTDS 2015 ) quy định thẩm quyền của Tòa Án phân biệt rõ ràng giữa “tranh chấp thương mại” và “tranh chấp dân sự” bao gồm các yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng. Ví dụ, một "tranh chấp dân sự" sẽ được giải quyết bởi các tòa án "dân sự" trong khi một tranh chấp thương mại sẽ được giải quyết bởi các tòa án thương mại. Theo đó, để đảm bảo tính nhất quán giữa BLTTDS 2015 và LTTTM 2010, thuật ngữ “tranh chấp thương mại” theo LTTTM 2010 nên được hiểu là các tranh chấp được phân loại là “tranh chấp thương mại” theo BLTTDS 2015 không bao gồm các tranh chấp liên quan đến yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng.

·         Nếu áp dụng cách hiểu thoáng của LTTTM 2010 thì trọng tài thương mại có thể được sử dụng để giải quyết bất kỳ loại tranh chấp nào liên quan đến tổ chức hoặc cá nhân hoạt động thương mại miễn là có thỏa thuận trọng tài (ví dụ: tranh chấp thừa kế).

·         Trên thực tế, Tòa Án tối cao Việt Nam đã chỉ rõ trong tài liệu đào tạo của mình (xem tại đây (xem trang 52)) rằng yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không thể được giải quyết bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam.  

Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ với sự hỗ trợ nghiên cứu của Lê Thanh Nhật.