Khái niệm về người lao động, hợp đồng lao động và người làm việc không có quan hệ lao động theo pháp luật lao động Việt Nam
Bộ Luật Lao Động 2019 đã mở rộng đáng kể phạm vi áp dụng bằng cách mở rộng định nghĩa về người lao động, hợp đồng lao động và đưa ra khái niệm mới về người làm việc không có quan hệ lao động. Những thay đổi này có thể có tác động đáng kể đến nhiều cá nhân, bao gồm cả những người lao động tự do (gig workers).
Người lao động
Theo Bộ Luật Lao Động 2019, người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo một thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành và giám sát của người sử dụng lao động. Mặt khác, Bộ Luật Lao Động 2012 định nghĩa người lao động là người làm việc theo “hợp đồng lao động”. Do đó, theo Bộ Luật Lao Động 2012, một cá nhân làm việc cho công ty theo hợp đồng không có tên là “hợp đồng lao động” có thể lập luận rằng mình không phải là người lao động của công ty. Tuy nhiên, lập luận như vậy có thể không áp dụng được theo Bộ Luật Lao Động 2019 nếu có thể xác định được rằng có sự thỏa thuận giữa công ty và cá nhân và cá nhân đó bị công ty quản lý, điều hành và giám sát.
Hợp đồng lao động
Bộ Luật Lao Động 2019 có định nghĩa tương tự về hợp đồng lao động so với Bộ Luật Lao Động 2012. Cụ thể, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động và quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, phù hợp với sự thay đổi định nghĩa về người lao động, Bộ Luật Lao Động 2019 có quy định thêm rằng trường hơp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công công, tiền lương, sự quản lý, điều hành và giám sát bởi một bên, thì thỏa thuận đó được coi là một hợp đồng lao động.
Người làm việc không có quan hệ lao động
Lần đầu tiên, Bộ Luật Lao Động 2019 cũng đưa ra khái niệm “người làm việc không có quan hệ lao động”, được hiểu là một cá nhân làm việc không dựa trên cơ sở được thuê mướn, thuê làm việc thông qua một hợp đồng lao động. Vì một người làm việc không có quan hệ lao động không làm việc theo hợp đồng lao động, nên người đó không phải chịu sự quản lý, điều hành và giám sát của công ty mà người đó làm việc cho. Do đó, khái niệm “người làm việc không có quan hệ lao động” có thể bao gồm nhiều cá nhân làm việc cho các công ty mà không theo hợp đồng lao động.
Bộ Luật Lao Động 2019 không quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của người làm việc không có quan hệ lao động. Tuy nhiên, Bộ Luật Lao Động 2019 quy định rằng một số quy định của Bộ Luật Lao Động 2019 sẽ áp dụng đối với những người làm việc không có quan hệ lao động. Nhiều khả năng là Chính Phủ sẽ có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.
Bài viết được thực hiện bởi Trần Kim Chi và Nguyễn Quang Vũ.