Vietnam Business Law

View Original

Những Điểm Cần Xem Xét Trong Điều Khoản Trọng Tài Đối Với Bên Việt Nam Trong Hợp Đồng Với Bên Nước Ngoài

Khi doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng với một bên nước ngoài, bên nước ngoài thường yêu cầu hợp đồng phải có Điều khoản trọng tài để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bằng trọng tài thương mại thay vì Tòa án Việt Nam. Khi đàm phán và soạn thảo Điều khoản trọng tài trong hợp đồng, doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc các điểm sau: 

Luật điều chỉnh hợp đồng  

Nếu luật điều chỉnh của hợp đồng là pháp luật Việt Nam, thì việc lựa chọn các trung tâm trọng tài tại Việt Nam sẽ phù hợp hơn bởi các trọng tài viên ở Việt Nam thường hiểu biết về pháp luật Việt Nam hơn trọng tài viên ở nước khác. Nếu luật điều chỉnh là pháp luật nước ngoài, thì bên Việt Nam có thể cân nhắc lựa chọn pháp luật của các hệ thống tài phán mà dễ tiếp cận từ Việt Nam. Theo tiêu chí này, pháp luật Anh sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi nhiều sách luật tiếng Anh hiện đã có sẵn ở Việt Nam hoặc có thể mua từ các cửa hàng trực tuyến. Có nhiều nguồn thông tin miễn phí trên Internet về luật Anh hơn các luật khác. Ngoài ra, có thể dễ dàng tìm được các luật sư đủ điều kiện hành nghề theo tiêu chuẩn Anh tại Việt Nam hơn là tìm luật sư từ các hệ thống tài phán khác. 

Trọng tài Việt Nam trong tương quan so sánh với Trọng tài nước ngoài 

Quá trình đàm phán về việc các bên nên sử dụng trọng tài Việt Nam hay trọng tài nước ngoài thường mất nhiều thời gian nhất.  Bên Việt Nam thường ưu tiên lựa chọn trọng tài Việt Nam, thường là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Tuy nhiên, nhiều đối tác nước ngoài còn e ngại (hoặc trong nhiều trường hợp không được phép bởi các quy định nội bộ) khi lựa chọn trọng tài Việt Nam do lo ngại về chất lượng và tính độc lập của trọng tài viên tại Việt Nam.   

Về mặt chất lượng, VIAC có nhiều Trọng Tài Nước Ngoài nổi tiếng trong Hội đồng trọng tài như ông Garry Born, ông Michael Hwang, hay bà Lucy Reed. Tuy nhiên, cũng có nhiều trọng tài viên với lý lịch không mấy liên quan đến xử lý các tranh chấp thương mại phức tạp (ví dụ: nguyên là quan chức Nhà nước hoặc giáo sư trường luật). 

Về tính độc lập, cần lưu ý rằng VIAC không hoàn toàn là một tổ chức tư nhân, mà là một đơn vị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một tổ chức do Chính phủ tài trợ và quản lý. Ngoài ra, có rất ít trọng tài viên Việt Nam độc lập, chuyên trách đủ tiêu chuẩn (ví dụ như ông Đặng Xuân Hợp). Hầu hết các trọng tài viên Việt Nam có nghề nghiệp thứ hai, có thể là luật sư hành nghề hay nghề khác. Do đó, sẽ khó để biết liệu một trọng tài viên Việt Nam có hoàn toàn độc lập và không có xung đột khi xử lý vụ việc hay không.

Mặc dù có những vấn đề tiềm ẩn này, trong trường hợp trọng tài nước ngoài không được bên Việt Nam chấp nhận, một cách thỏa hiệp hợp lý là sử dụng VIAC nhưng yêu cầu Hội đồng trọng tài chỉ bao gồm các trọng tài viên có tên trong danh sách trọng tài viên của một trung tâm trọng tài nước ngoài uy tín (ví dụ: SIAC). Điều này là bởi khi Hội đồng trọng tài được thành lập, chất lượng của các trọng tài viên - những người có đủ điều kiện để làm trọng tài viên tại các trung tâm trọng tài có uy tín - có thể mang lại sự đảm bảo đáng kể cho bên nước ngoài rằng tranh chấp sẽ được xử lý công bằng và hiệu quả. Các bên cũng có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một số thông lệ trọng tài tốt như Quy tắc IBA về Thu thập Chứng cứ trong Trọng tài Quốc tế. 

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nước ngoài tại đâu? 

Nếu các bên đã lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nước ngoài, thì câu hỏi tiếp theo là quốc gia nào nên được chọn làm địa điểm trọng tài. Về vấn đề này, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét những điều sau:

·         Doanh nghiệp Việt Nam không nên chọn quốc gia (hoặc thành phố) là nơi đặt trụ sở của bên nước ngoài. Nếu phiên xét xử trọng tài xảy ra tại quốc gia nơi đặt trụ sở của bên nước ngoài thì bên nước ngoài sẽ có lợi thế về mặt hậu cần hơn bên Việt Nam. Vì vậy, trong phạm vi có thể, bên Việt Nam nên lựa chọn một quốc gia mà hai bên đều phải di chuyển đến.

·         Bên Việt Nam nên chọn một quốc gia cho phép di chuyển thuận tiện. Theo tiêu chí này, Singapore và Malaysia (hai nơi không yêu cầu thị thực đối với người Việt Nam) sẽ được ưu tiên hơn Hồng Kông hay Seoul. Ngoài ra, Hong Kong là một phần của Trung Quốc, nước có tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam. Do đó, Hồng Kông có thể không phải là nơi thích hợp để doanh nghiệp Việt Nam tham gia xét xử trọng tài.

Luật điều chỉnh điều khoản trọng tài

Điều khoản trọng tài trong hợp đồng thường được coi là một thỏa thuận trọng tài riêng biệt. Đôi khi, sẽ không rõ liệu luật điều chỉnh của hợp đồng có đồng thời điều chỉnh thỏa thuận trọng tài.  Ví dụ, nếu luật điều chỉnh của hợp đồng là luật Việt Nam và hợp đồng là đối tượng xét xử của trọng tài nước ngoài, thì sẽ có những Lập Luận mạnh cho rằng luật điều chỉnh của điều khoản trọng tài là luật của nơi tiến hành xét xử trọng tài. Vì vậy, nên làm rõ luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài trong chính điều khoản trọng tài. 

Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ.