Vietnam Business Law

View Original

ĐIỂM MỚI VỀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG CÓ YÊU TỐ NƯỚC NGOÀI

Bộ Luật Dân Sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã đưa ra nguyên tắc mới về lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt với hợp đồng có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Theo đó, các bên trong hợp đồng sẽ có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài là pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, ngoại trừ các trường hợp sau đây:

·         Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Bộ Luật Dân Sự 2015 đưa ra một số nguyên tắc cơ bản của Pháp Luật Dân Sự Việt Nam, những nguyên tắc này được coi là một phần trong số các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;

·         Không xác định được nội dung của pháp luật nước ngoài mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng (hoặc các nguyên tắc tố tụng khác). Không rõ liệu quy định này có hạn chế việc tìm kiếm các nguồn luật nước ngoài hoặc áp dụng cho việc giải thích pháp luật nước ngoài hay không. Mặt khác, theo Bộ Luật Dân Sự 2015, trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó. Như vậy, nếu một luật sư nước ngoài cung cấp và giải thích bằng chứng dựa trên cơ sở pháp luật nước ngoài sẽ có khả năng không được chấp nhận ở Việt Nam;

·         Hợp đồng liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam nếu bất động sản đó được đặt tại Việt Nam;

·         Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng áp dụng pháp luật Việt Nam trong trường hợp pháp luật nước ngoài do các bên lựa chọn ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam;

·         Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý. Bộ Luật Dân Sự 2015 không giải thích thế nào là “người thứ ba được hưởng”. Điều này dẫn đến những cách hiểu không rõ ràng là bên thứ ba được hưởng có thể là bất kỳ cá nhân nào hay phải là bên được chỉ định cụ thể trong hợp đồng.

Ngoài ra, Bộ Luật Dân Sự 2015 cũng đã quy định về trường hợp “pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng.” Theo đó, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với với hợp đồng sẽ được áp dụng.